Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Hướng dẫn sử dụng CPU-Z kiểm tra cấu hình máy tính

CPU-Z là một phần mềm miễn phí giúp bạn xem chi tiết cấu hình máy tính của mình, các thông số kỹ thuật, dung lượng, tốc độ… của từng linh kiện sẽ được hiện thị một cách đầy đủ nhất, nhằm giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình nâng cấp máy tính, lựa chọn phần mềm, lựa chọn hệ điều hành…



Đầu tiên bạn bạn truy cập vào địa chỉ sau để tải CPU-Z

Link download từ trang chủ: http://www.cpuid.com/softwares/cpu-z.html

Sau khi tải về, bạn tiến hành giải nén. Sẽ thu được 2 file exe là cpuz_x32.execpuz_x64.exe. Tùy theo hệ điều hành bạn là 32-bit hay 64-bit, hãy chạy phiên bản tương ứng

Ngay khi khởi động phần mềm, bạn sẽ mất vài giây để phần mềm lấy thông tin về phần cứng. Nếu ko có gì trục trặc giao diện sau khi khởi chạy thành công CPU-Z sẽ như sau:



1. Thông tin về chip xử lý (Tab CPU):

Bạn nên quan tâm đến các thông số sau:

  • Name: Tên của chip xử lý – vd: Core 2 Duo E6700, Core i3 320M…
  • Code name: Tên của kiến trúc CPU hay còn gọi là thế hệ của CPU – vd: Wolfdale, Sandy Bridge, Ivy Bridge…
  • Packpage: Là dạng socket của CPU – vd: 478, 775, 1155… thông số này rất quan trọng khi bạn có ý định nâng cấp CPU của mình. Bạn không thể đem 1 chip CPU socket 775 gắn lên socket khác (1155, 478…) và ngược lại.
  • Core Speed: Đây là xung nhịp của chip CPU, hay thường được gọi là tốc độ của CPU
  • Level 2: Thông số về bộ nhớ đệm, thông số này càng cao thì CPU càng ít bị tình trạng nghẽn dữ liệu khi xử lý (hiện tượng thắt cổ chai). Một số CPU còn có bộ nhớ Level 3… số level càng lớn, kèm theo dùng lượng càng cao, cpu của bạn chạy càng nhanh.
  • Cores và Threads: đây là số nhân và số luồng của CPU. Số này thường là số chẵn và còn được biết đến với cách gọi kiểu như: CPU 2 nhân, CPU 4 nhân, CPU 6 nhân…

2. Caches - Bộ nhớ đệm
Bộ nhớ đệm của CPU được gọi là Cache, nó đóng vai trò như là một nơi lưu trữ tạm thời những lệnh mà CPU cần xử lý (Lệnh này bao gồm tất cả các thao tác mà bạn thường hay sử dụng trên máy tính, từ việc soạn thảo văn bản đơn giản đến game nặng). Những lệnh này sẽ xếp hàng với nhau chờ được xử lý. Vì vậy, bộ nhớ đệm càng lớn thì sẽ chứa được nhiều lệnh hơn nhờ đó giúp rút ngắn thời gian chờ và tăng hiệu suất làm việc của CPU .



Có tất cả 3 loại cache là L1, L2L3. Trong quá trình CPU xử lý, L1 cache sẽ kiểm tra xem L2 cache có những gì mình cần hay không, có lệnh gì từ người dùng đang chờ xử lý hay không. Sau đó L2 cache sẽ tiếp tục lấy thông tin từ L3 cache (một số dòng Laptop có hỗ trợ thêm L3 cache), những thông tin này sẽ được lấy từ RAM, ổ cứng của Laptop…Những thông tin này là gì, đơn giản nó chỉ là một cú lick chuột của bạn vào bất kỳ chương trình hay phần mềm nào, hệ thống sẽ ghi nhận thông tin chuyển đến cho các bộ nhớ đệm.

3. Thông tin về bo mạch chủ (Tab Mainboard):



  • Manufacturer: Là tên nhà sản xuất ra mainboard – vd: Gigabyte, Asus, Foxconn…
  • Model: là model của mainboard – vd: G41MDV, 945GCM-S2C… Thông tin này rất quan trọng trong quá trình tìm kiếm driver, mà không phải mở nắp thùng máy để xem trực tiếp.
  • Chipset: Thông tin về chipset của main – vd: 945, 965, G31, G41, H61…
  • BIOS: hiển thị các thông tin về hãng sản xuất, phiên bản và ngày ra phiên bản hiện tại đang dùng của BIOS.
  • Graphic Interface: là thông tin về khe cắm card đồ họa trên mainboard, phổ biến nhất hiện nay chỉ có 2 chuẩn là AGP và PCI-Express x16
4. Thông tin về bộ nhớ RAM (Tab Memory):


  • Type: Hiển thị loại RAM (Đời RAM) đang gắn trên máy – vd: DDR, DDR2, DDR3… (tương ứng với cách gọi RAM 1, RAM 2, RAM 3…)
  • Size: là tổng dung lượng RAM đang gắn trên máy
  • Channel: Nếu hiển thị là Single tức là bạn đang gắn 1 thanh RAM hoặc main không hỗ trợ chế độ chạy kênh đôi, nếu hiện Dual là RAM đang chạy ở chế độ kênh đôi (tốc độ nhanh hơn) điều này cũng đồng nghĩa bạn đang gắn 2 hoặc nhiều thanh RAM.
  • Timings: đây là các thông số liên quan đến kỹ thuật, bạn không cần quan tâm lắm.
5. Thông tin về số lượng khe cắm RAM, nhãn hiệu, thông số của từng khe RAM (Tab SPD):


  • Slot #: đây là phần hiển thị số lượng khe cắm RAM, số slot càng nhiều thì bạn càng có nhiều khe cắm. Thông thường là 2 hoặc 4 khe cắm. Tương ứng với Slot #1 -> Slot #4. Mỗi khi sổ xuống chọn 1 slot, phần thông tin sẽ thay đổi tương ứng với thanh RAM đang cắm ở khe đó.
  • Module Size: Dung lượng RAM ở khe cắm đang xem. Đơn vị là MB (1GB = 1024MB)
  • Max Bandwidth: Đây thực tế là thông số về bus RAM. Bạn chỉ cần đem nhân phần xung nhịp nằm trong dấu ngoặc đơn cho 2, sẽ ra bus của RAM hiện tại. vd: 667Mhz x 2 = 1334 >> Bus RAM là 1333
  • Manufacturer: Tên hãng sản xuất.
6. Thông tin về card đồ họa (Tab Graphics)


  • Display Device Selection: Nếu có nhiều card màn hình, phần này sẽ sáng lên và bạn chọn card tương ứng. Nếu chỉ có 1 card, phần này sẽ mờ đi.
  • Name: Tên của hãng sản xuất chip đồ họa, phổ biến nhất là Ati và Geforce
  • Code name: Tên của chip đồ họa đang chạy
  • Size: Dung lượng của card đồ họa (đơn vị MB)
  • Type: Kiểu xử lý – vd: 64-bit, 128-bit, 256-bit. Thông số này càng cao, card của bạn càng cao cấp và xử lý đồ họa tốt hơn.
7. Benchmark
Công cụ benchmark mới cho phép chạy benchmark hoặc các bài test độ ổn định của các CPU.